Tục ngữ
- Ăn vóc học hay.
- Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.
- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
- Không thầy đố mày làm nên.
- Nước chảy đá mòn.
- Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
- Có chí thì nên.
- Có công mài sắt, có ngày nên kim.
(Tiếng Việt 3 - tập một)
Ăn vóc học hay là câu tục ngữ ta thường nghe. Vóc là thân hình, sức vóc, tầm vóc. Người khỏe mạnh là người có sức vóc. Người cao lớn là người có tầm vóc.
Câu tục ngữ có nghĩa rõ ràng: có ăn mới khỏe, mới có sức vóc; có học thì mới hiểu biết. Hay tức là hiểu biết. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Ta thường hay nói học hỏi. Học là học bài, học trong sách, học thuộc lòng. Hỏi là đặt những câu cho người khác trả lời, giúp cho ta biết những điều mà ta chưa biết. Hỏi nhiều, được nhiều câu trả lời thì sẽ biết nhiều. Học nhiều, có vốn liếng dồi dào, thì ta sẽ giỏi.
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ngày xưa, đi học chữ nho hay dùng các thỏi mực, mài với nước thành ra một chất lỏng, đen nhánh. Em nào không khéo giữ gìn thì mực giây ra tay, có khi mặt mày nhem nhuốc. Vì thế ta nói gần mực thì đen.
Thắp đèn lên, ánh sáng tỏa ra làm cho ta trông thấy mọi vật chung quanh. Gần đèn thì sáng nghĩa đen là như thế. Nghĩa bóng của câu này là ở gần người bạn xấu thì dễ lây tính xấu, ở gần người tốt thì dễ theo gương tốt. Sống trong hoàn cảnh nào thì rất dễ chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh ấy. Câu tục ngữ có nghĩa sâu sắc, mà dễ nhớ. Dễ nhớ là vì nó cân xứng nhau: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".