Tôn giáo và tín ngưỡng là sự sùng bái tuyệt đối vào một báu vật hoặc một đấng thần linh thiêng liêng nào đó mà họ tôn thờ.
Ở mỗi tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đều có những điều cấm kỵ khác nhau được qui định mà các tín đồ tuyệt đối không được phép vi phạm. Chẳng hạn, tín đồ Hồi giáo không được uống rượu, tín đồ Ấn Độ giáo cấm ăn thịt bò v.v... Vì vậy, Nhà sản xuất - kinh doanh cần phải nắm vững những điều cấm kỵ của từng loại tôn giáo tín ngưỡng cụ thể để tránh phạm phải những sai lầm trong khi tung vào thị trường những mặt hàng mang tính cấm kỵ ở các vùng có những tôn giáo tín ngưỡng khác nhau.
Giai tầng xã hội có ảnh hưởng đến hành vi tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của khách hàng. Nó nói lên sự khác biệt về nghề nghiệp, của cải, thu nhập, trình độ văn hóa, vị trí xã hội... của họ. Ở mỗi giai tầng xã hội đều có những nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ không giống nhau. Ngay cả trong cùng một loại hàng hóa hoặc dịch vụ, song ở mỗi giai tầng xã hội khác nhau, cũng đòi hỏi có sự phân biệt khác nhau. Do đó Nhà sản xuất - kinh doanh cần thiết phải đi sâu tìm hiểu những nhu cầu khác nhau của những giai tầng xã hội khác nhau để lượng tính khả năng thỏa mãn những nhu cầu ấy. Ví dụ: người có của thì thích ăn sang mặc đẹp, còn người lao động thì lại mong ăn chắc mặc bền; tuổi trẻ thanh niên thì thích chưng diện, tầng lớp tuổi già thì thích tao nhã, giản dị v.v...